Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2025), kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên trường, các cơ sở Đoàn - Hội đã tổ chức các hành trinh đưa Đoàn viên, Thanh niên, sinh viên đến với các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố.
Hoạt động nhằm giáo dục cho Đoàn viên, Thanh niên, sinh viên lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc. Đồng thời, giới thiệu các địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố đến với các UFMer.
Dâng hương tại Bia Tưởng niệm chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh tại Dinh Độc Lập trong sự kiện Mậu Thân 1968. Bia được khánh thành nhân Kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bia đặt tại địa chỉ 108 Nguyễn Du, phường Bến Thành, Quận 1 – nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu của 15 chiến sĩ Đội 5, Biệt động Sài Gòn - Gia Định tấn công vào Dinh Độc Lập trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bia có hình tượng lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc; hình tượng đốt tre thể hiện nét đặc trưng trong kiến trúc của Dinh Độc Lập. Quy mô của Bia cao 4,5m, gồm 3 bục, chất liệu bằng đá granit, có khắc chữ, lư hương bằng đá granit – tương quan với kích cỡ các Bia đã dựng trước đây ở Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM và trước Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Tham quan “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định – TP. HCM” tại trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Công trình là sự tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của trường, trong đó có phong trào đấu tranh của học sinh trường, thể hiện lòng yêu nước, hòa cùng khí thế cách mạng sục sôi trong những năm kháng chiến với mong muốn tiếp tục ghi nhận lại các “địa chỉ đỏ” trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ, qua đó giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên thành phố hiện nay và là một nghĩa cử, thông điệp tri ân đến các thế hệ anh hùng, học sinh, sinh viên đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc hôm nay.
UFMer tại không gian truyền thống phong trào Học sinh, sinh viên tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM. Công trình này được đặt tại khu vực từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên Khoa học Đại Học Đường trong quá trình tranh đấu, cũng là nơi ghi dấu thành lập Chi bộ Sinh viên đầu tiên của Sài Gòn – Gia Định.
UFMer tại Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- ĐHQG-HCM. Công trình Lấy cảm hứng từ bài hát “Tự nguyện” của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh – cựu sinh viên Văn khoa (nay là ĐH KHXH&NV), công trình là sự tái hiện lịch sử phong trào sinh viên, học sinh yêu nước trong những năm kháng chiến chống Pháo và chống Mỹ. Công trình gồm các nhóm hình tượng tiêu biểu cho các thế hệ học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TPHCM như: Sinh viên tình nguyện xếp bút nghiên lên đường kháng chiến; ngọn lửa tự thiêu vì hòa bình của nữ sinh Văn khoa Nhất Chi Mai; phong trào “Hát cho dân tôi nghe” và làn sóng học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh chính trị; nữ sinh hân hoan tung cánh chim hòa bình.
Tuổi trẻ UFM tại Công trình Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định - TP Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG-HCM. Công trình được thiết kế hình ảnh cách điệu của cánh chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hoà bình, cùng với biểu tượng ngọn đuốc thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử và quyết tâm chinh phục mọi khó khăn; đồng thời thể hiện niềm tin, nhiệt huyết, sức mạnh của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước. Trên cùng là hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay kiêu hãnh thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc và các thế hệ sinh viên bách khoa luôn đặt Tổ quốc trên hết. Hình tượng lá cờ, ngọn đuốc, chim bồ câu trên giá đỡ là những trang sách cùng với những khoảng trống mở ra cánh cửa tri thức cho đất nước. Tất cả được đặt trên nền tảng Logo của Đại học Bách Khoa nhằm thể hiện khẩu hiệu “Giáo dục khai phóng, tiên phong trong chất lượng, sáng tạo và hội nhập”.
UFMer tham quan và tìm hiểu tại địa chỉ đỏ Biệt động Sài Gòn (số 115 Đặng Dung, Phường Tân Định, Quận 1).Trước năm 1975, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (Năm Lai). Căn nhà khi đó được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bán cơm tấm, cà phê từ năm 1946, nhưng thực chất là nơi cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật... ra chiến khu.
Thăm quan ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM từng là nơi cất giấu vũ khí, thuốc nổ, súng đạn của lực lượng Biệt động Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Hoàng Nam