Nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Học sinh, Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2025), Tuổi trẻ UFM cùng với Tuổi trẻ Quận Phú Nhuận thăm tặng quà Má Phong trào Lê Thị Thu và Ba Phong trào Đặng Quốc Việt.
Đến thăm Ba Phong trào Đặng Quốc Việt
Trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Kiệm là gia đình của Ba Phong trào Đặng Quốc Việt, Dù tai ba đã lãng, sức khỏe đã yếu dần theo năm tháng nhưng nhưng trí nhớ còn tốt. Những câu chuyện của những ngày trong bom đạn, khi đó ông làm giao liên, đưa đón nhiều cán bộ từ cứ (căn cứ) ra hoạt động được ông kể cho thế hệ trẻ.
Trước khi ra về, Ba lôi ra một xấp những bài thơ do mình sáng tác, tặng mỗi bạn một bài. Những câu thơ dung dị, đời thường, ông viết cho thời trai trẻ của mình, đọc lên vẫn thật ý nghĩa với những bạn trẻ hôm nay.
Má Lê Thị Thu: Người phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà
“Má Thu” có tên đầy đủ là là Lê Thị Thu, sinh năm 1928, quê ở Tiền Giang, là con gái út trong gia đình có 9 anh chị em. Ấn tượng đầu tiên về Má là đôi mắt đen, sâu thẳm, trong đôi mắt ấy chất chứa nhiều nỗi buồn, mái tóc đã phai màu theo thời gian, giọng nói ấm áp và rất cởi mở. Trò chuyện với chúng tôi, Má kể, Má đã dành trọn cuộc đời sống và hy sinh hết mình cho sự nghiệp cách mạng, không những giỏi việc nước, Má còn đảm việc nhà.
Ngày ấy, năm 1946 khi giặc Pháp xâm chiếm lần 2, hiểu được nỗi đau mà đất nước gánh chịu, như bao thanh niên khác,theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ kính yêu, cô gái 17 tuổi quyết định thoát li gia đình đi kháng chiến. 9 năm chống Pháp, Má kể “ Đi kháng chiến khó khăn gian khổ lắm, lúc nào cũng phải luồn lủi trong rừng sâu, sốt rét, bệnh tật, chạy giặc, chứng kiến cảnh bao nhiêu người phải hy sinh vì chiến tranh mà đau lòng lắm!”
Ở lứa tuổi trẻ trung và sôi nổi, Má kết hôn với một người cũng có lòng yêu nước, chiến sĩ cách mạng Cao Văn Mưu. Má có 7 người con, 4 con gái và 3 con trai nhưng sau mất 1 người con trai. Chồng Má, con Má đều tham gia hoạt động cách mạng. Má kể, trước Mậu Thân, chồng Má khi đưa các đồng chí cán bộ Thành Đoàn họp để chuẩn bị cho hoạt động giải phóng trước Mậu Thân thì bị chỉ điểm trong Hội Chánh khai và bị bắt.
Má một thân một mình vừa nuôi chồng trong tù vừa lo cho con, cho ba mẹ chồng đồng thời hoạt động cách mạng, kết hợp với Hội học sinh, sinh viên in tải truyền đơn cho cách mạng. Má kể: “ Chồng má bị bắt nhưng đấu tranh không khai báo nên bị chuyển qua nhiều trại giam lắm, lên Phú Lợi…Có những lúc đi từ chỗ thăm nuôi tới trại giam xa lắm, mỗi lần thăm chỉ được 10 phút thôi mà chồng Má chịu nhiều khổ đày, tối nào cũng bị đem ra đánh. Một năm xối nước tắm, lưng vẫn hiện lằn lên nhưng ổng chịu đựng được không khai ai cả, ổng bảo chịu hoài cũng quen…”.
"Từ trại giam Phú Lợi, Biên Hòa, Thủ Đức sau là chuyển về trại giam Chí Hòa, ở đâu Má cũng tận tình đi thăm nuôi chồng. Năm1961, Mỹ đã xâm lược đất nước ta, hoàn cảnh lúc đó vô cùng khó khăn, Má phải bán nước mía để có thể mưu sinh kiếm tiền nuôi con nuôi ba mẹ chồng. Không may, ngón tay bị kẹt vào máy ép mía, khiến bàn tay bị biến dạng nhưng hoàn cảnh gia đình rất nghèo, Má cắn răng chịu đựng cơn đau giày vò, nhất quyết cũng không dám kể cho chồng nghe sợ chồng lo lắng trong tù." Má kề
Đến thăm các Ba Má, các bạn đoàn viên, thanh niên đã cùng trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe, nghe kể chuyện truyền thống, trao tặng quà. Đây là hoạt động ý nghĩa, được thế hệ trẻ duy trì thực hiện hằng năm nhân kỷ niệm ngày truyền thống phong trào học sinh – sinh viên. Thông qua các hoạt động uống nước nhớ nguồn, các bạn đoàn viên, thanh niên càng hiểu và thêm tự hào về những thế hệ học sinh - sinh viên đi trước, biết ơn các Ba Má – những người đã tham gia góp phần thành công cho cuộc đấu tranh cách mạng.
Hoàng Nam