Nhằm thực hiện chương trình Công tác Đoàn và phong trào Thanh niên năm học 2021 – 2022, Tạo sân chơi giao lưu, học hỏi nhằm gắn kết giữa cán bộ Đoàn – Hội với nhau. Xây dựng môi trường giúp đội ngũ cán bộ trau dồi về truyền thống lịch sử, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước. Vào tháng Thanh niên năm 2022, Ban Thường vụ Đoàn trường đã xây dựng Kế hoạch thực hiện chuỗi hoạt động Về nguồn với tên gọi: “Hành trình đỏ”.
“Hành trình đỏ” là hành trình đến với căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chương trình được tổ chức với mong muốn được đưa cán bộ chủ chốt của trường đến tham quan, học hỏi về truyền thống Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, từ đó khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, khát vọng được cống hiến cho tổ chức, cho xã hội và cho đất nước.
Theo đó, Ban Thường vụ Đoàn trường đã đưa các bạn cán bộ chủ chốt đến với 6 địa điểm: Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Đội 4 – Biệt động Sài Gòn trong trận đánh đài phát thanh Sài Gòn – Tết Mậu Thân 1968; Dinh độc lập; Căn cứ ban tuyên huấn xứ ủy Nam Bộ; Căn cứ Hộp thư bí mật và Hầm nổi của biệt động Sài Gòn; Tượng đài Liệt sĩ Quận Bình Thạnh; Ký ức Bàn Cờ - Vườn Chuối: Điểm sáng phong trào Cách mạng Sài Gòn - Gia Định.
Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” được đặt trong khuôn viên trụ sở Đài Phát thanh nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại số 3, đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 79m2, phần kết cấu chính là cụm tượng 2 nhân vật chiến sỹ biệt động thành bằng đồng, đặt trên bệ bê tông ốp đá granit. Công trình Đài Tưởng niệm “Biệt động Thành đánh Đài Phát thanh Sài Gòn năm 1968” thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các chiến sỹ biệt động Sài Gòn, lực lượng vũ trang Thành phố, qua đó tuyên truyền thiết thực truyền thống yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, giúp thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu, xứng đáng với các thế hệ tiền nhân, xứng đáng với Thành phố anh hùng.
Quán cà phê Đỗ Phủ – cơm tấm Đại Hàn nằm tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Đây là một trong nhiều những căn nhà năm xưa được chiến sĩ biệt động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Căn nhà được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn, những “cộng sự” của ông Năm Lai quản lý. Bề ngoài, ông Đỗ Miễn cùng vợ bán buôn, nhưng thực chất là để nuôi giấu cán bộ, cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây ra chiến khu, qua đường các nước bạn, chuyển tiếp ra miền Bắc,…
Dinh độc lập khu di tích nằm ở số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử, thăng trầm của đất nước, đặc biệt là sự kiện Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trải qua nhiều lần đổi tên, hiện nay, khu di tích có tên gọi Dinh Độc Lập. Ý nghĩa Dinh Độc Lập mang sự tự hào về dân tộc, về 1 thời hào hùng chống thực dân xâm lược.
Bàn Cờ ở Quận 3, TP HCM là điểm sáng của phong trào cách mạng Sài Gòn – Gia Định qua cả hai cuộc chiến chống Pháp và đánh Mỹ. Địa danh Bàn Cờ được nhớ đến qua những câu chuyện cảm động lòng người trong lửa đạn chiến tranh. Đã 40 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, nhưng với những người chị, người em Bàn Cờ ngày ấy, ký ức của bao năm tháng sôi sục tranh đấu vẫn còn vẹn nguyên.
Tượng đài Liệt sĩ Quận Bình Thạnh
Cơ sở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ (tại số 51/10/14 đường Cao Thắng, phường 3, quận 3, TP.HCM). Tại đây, sau khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, Xứ ủy Nam Bộ đã sử dụng căn nhà này để làm cơ sở của Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ và một số đơn vị khu Sài Gòn - Gia Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ đặt máy thu thanh và giao cho đồng chí Đỗ Văn Ba (tức Đỗ Văn Hạng), cán bộ Xứ ủy phụ trách cơ sở, thu tin từ Đài Phát thanh Hà Nội và biên tập thành tài liệu, in ấn, phát hành cho các cơ sở của Xứ ủy nắm tin tức và thực hiện chỉ thị của Trung ương đối với Nam bộ. Ngoài ra, tại đây Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng có các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của TP tham dự như đồngchí Trần Bạch Đằng, Phạm Dân, Tân Đức, Đỗ Văn Ba… cho đến khi Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ chuyển về chiến khu D vào năm 1957.
BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN TRƯỜNG